Đằng sau sự vươn mình của hành lang thanh toán xuyên biên giới tại châu Á – Thái Bình Dương
Châu Á – Thái Bình Dương đang nổi lên là khu vực có tốc độ phát triển thanh toán xuyên biên giới mạnh mẽ ,dự kiến sẽ tăng gấp đôi, đạt 23,8 nghìn tỷ USD vào năm 2032 – cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình toàn cầu.

Châu Á – Thái Bình Dương đang nổi lên là khu vực có tốc độ phát triển thanh toán xuyên biên giới mạnh mẽ. Theo báo cáo của FXC Intelligence, tổng giá trị thị trường này dự kiến sẽ tăng gấp đôi, đạt 23,8 nghìn tỷ USD vào năm 2032 – cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình toàn cầu. Động lực nào đang thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của hệ sinh thái thanh toán khu vực?
Công nghệ mở đường cho thanh toán xuyên biên giới
Trong những năm gần đây, các sáng kiến công nghệ tài chính đã đóng vai trò trung tâm trong việc định hình hành lang thanh toán khu vực. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được tích hợp ngày càng sâu vào hệ thống thanh toán để phát hiện gian lận theo thời gian thực, thay thế cho các hệ thống phát hiện rủi ro dựa trên quy tắc tĩnh.
Bên cạnh đó, định danh số và mô hình ngân hàng mở (open banking) đang được nhiều quốc gia trong khu vực triển khai để nâng cao tính minh bạch và bảo mật. Việc số hóa danh tính giúp giảm thiểu rủi ro gian lận, đồng thời tạo điều kiện cho người dùng kiểm soát dữ liệu tài chính một cách chủ động hơn.
Thanh toán bằng mã QR cũng là một trong những yếu tố nổi bật trong bước tiến công nghệ của khu vực. Không chỉ phổ biến ở các giao dịch nội địa, mã QR hiện được sử dụng cho thanh toán xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc kết nối hệ thống QR quốc gia với các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn tất đấu nối với Trung Quốc, tạo ra mạng lưới thanh toán QR liên thông giữa các nền kinh tế khu vực.
Ở cấp độ doanh nghiệp, các công ty fintech đang đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quốc tế mở rộng thanh toán tại các thị trường mới. Cụ thể, 9Pay hiện đang phát triển giải pháp QR xuyên biên giới đối tác quốc tế, cho phép người dùng cuối của họ thanh toán mã QR trực tiếp tại Việt Nam. Với giải pháp này, doanh nghiệp nước ngoài gia tăng lợi thế, mở rộng thị trường hoạt động mà không cần đầu tư xây dựng hệ thống thanh toán chuyên biệt.
Sự hội tụ công nghệ đang tạo ra một chu trình đổi mới. Quan trọng hơn, các yếu tố như tốc độ, chi phí, tính tuân thủ và bảo mật đều được cải thiện, góp phần tăng tính khả thi cho thanh toán xuyên biên giới ở quy mô lớn.
Hệ sinh thái hợp tác: Chìa khóa tăng trưởng bền vững
Bên cạnh yếu tố công nghệ, sự phát triển của thanh toán xuyên biên giới tại châu Á – Thái Bình Dương còn được thúc đẩy bởi các sáng kiến hợp tác đa phương. Một trong những dự án đáng chú ý là Project Nexus do Trung tâm Đổi mới sáng tạo BIS khởi xướng. Mục tiêu của Nexus là kết nối các hệ thống thanh toán tức thời nội địa thông qua một cổng đa phương duy nhất, thay vì duy trì các kênh song phương rời rạc. Dự án đặt mục tiêu xử lý giao dịch trong vòng dưới 60 giây và hoàn thành phần lớn các giao dịch xuyên biên giới trong vòng một giờ.
Tại khu vực Đông Nam Á, sáng kiến Kết nối Thanh toán Khu vực (Regional Payment Connectivity – RPC) do ASEAN khởi động từ năm 2022 cũng đang từng bước hình thành một mạng lưới thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới giữa các thành viên. Hiện có 9 quốc gia ASEAN tham gia sáng kiến này, trong đó có Việt Nam. RPC hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính liên vùng, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế và hỗ trợ phát triển bao trùm.
Một yếu tố quan trọng khác là sự kết nối giữa ngân hàng truyền thống và các công ty fintech. Các ngân hàng cung cấp nền tảng hạ tầng, tuân thủ và mạng lưới khách hàng rộng, trong khi fintech mang lại tính linh hoạt và công nghệ mới. Hợp tác giữa hai bên là điều kiện cần để triển khai các giải pháp thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, chi phí rẻ hơn và hoạt động 24/7.
Tại Việt Nam, 9Pay đã hợp tác với nhiều ngân hàng để phát triển 9Remit – giải pháp chuyển tiền quốc tế dành cho doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam. Với lợi thế về nền tảng ổn định, ứng dụng AI hiệu quả rút ngắn thời gian xử lý giao dịch cùng chính sách tỷ giá cạnh tranh, 9Remit giúp doanh nghiệp nước ngoài kết nối thanh toán liền mạch với thị trường Việt Nam và luân chuyển dòng tiền một cách minh bạch.
Sự bứt phá của các hành lang thanh toán tại châu Á – Thái Bình Dương là kết quả của một quá trình kết hợp giữa đổi mới công nghệ và hợp tác khu vực. Khi các rào cản truyền thống dần được tháo gỡ, khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính xuyên biên giới đang trở nên thực chất hơn không chỉ với các doanh nghiệp lớn, mà còn cả các SME và khách hàng cá nhân. Dù vẫn còn thách thức về tiêu chuẩn, quy định và khả năng liên vận, khu vực này đang định hình lại bản đồ thanh toán toàn cầu.
Xem thêm:
- Tối ưu chi phí trong chuỗi cung ứng: Góc nhìn từ thanh toán quốc tế
- Dòng chảy thanh toán trong chuỗi cung ứng: Hạ tầng thiết yếu cho thương mại toàn cầu